Trong chuỗi cung ứng, kho ngoại quan có vai trò cực kỳ quan trọng giúp giải quyết các vấn đề lưu trữ hàng hóa an toàn cho các nhà nhập khẩu, xuất khẩu. Vậy kho ngoại quan là gì? Các thủ tục kho ngoại quan cần thực hiện bao gồm những gì? Kệ công nghiệp VNT sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này sau đây.
Kho ngoại quan là gì?
Kho ngoại quan là kho hàng cung cấp không gian lưu trữ, bảo quản các loại hàng hoá đã làm thủ tục hải quan và đang chờ để xuất khẩu; các loại hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam hay chờ để xuất khẩu ra nước ngoài.
Loại hình kho ngoại quan mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp bởi khả năng dự trữ hàng để phục vụ cho công tác giao nhận xuất nhập khẩu nhanh chóng.
Các kho ngoại quan sẽ được đặt ở khu vực riêng nằm trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của kho.
Việc sử dụng dịch vụ kho ngoại quan được xác nhận thông qua hợp đồng thuê kho ngoại quan giữa đơn vị cho thuê kho ngoại quan và chủ hàng.
Thủ tục thành lập kho ngoại quan
Điều kiện thành lập kho ngoại quan
+ Khu vực đề nghị công nhận kho, bãi ngoại quan
– Cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế;
– Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phi thuế quan và các khu vực khác theo quy định của pháp luật;
– Khu kinh tế cửa khẩu; Khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics.
+ Tường rào & diện tích
– Kho, bãi ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào.
– Kho ngoại quan phải có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2;
– Kho ngoại quan chuyên dùng có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m3;
– Kho ngoại quan nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 4.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2;
– Kho ngoại quan không thuộc trường hợp quy định phải có diện tích khu đất tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2;
– Bãi ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.
Bãi kho ngoại quan
+ Phần mềm & Camera
– Đáp ứng yêu cầu quản lý lưu giữ, kết xuất dữ liệu trực tuyến cho cơ quan hải quan (tên hàng, chủng loại, số lượng, tình trạng của hàng hóa,…)
– Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý.
– Hình ảnh quan sát được mọi vị trí của kho ngoại quan vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ tối thiểu 06 tháng.
Hồ sơ thành lập, công nhận kho ngoại quan
– Đơn xin thành lập kho ngoại quan.
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi.
– Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi.
Trình tự thành lập, công nhận kho ngoại quan
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị đến Tổng cục Hải quan.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận kho ngoại quan hoặc văn bản chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
– Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc, nếu doanh nghiệp không hoàn thiện hồ sơ, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
Điều kiện hoạt động tại kho ngoại quan
Theo quy định, tổ chức và cá nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế có quyền sử dụng kho ngoại quan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bên cạnh việc tuân thủ quy định pháp luật, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo đúng chất lượng và an toàn hàng hóa.
Hoạt động trong kho ngoại quan cần tuân thủ quy định pháp luật
Các thủ tục kho ngoại quan khác
Thủ tục chuyển kho ngoại quan
– Bước 1: Lập bộ hồ sơ gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
– Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày, Cục Hải quan tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra hồ sơ; Khảo sát thực tế kho bãi; Nếu đáp ứng điều kiện thành lập thì báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét ra quyết định di chuyển, chuyển quyền sở hữu.
– Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, thành phố kèm hồ sơ đề nghị di chuyển hoặc chuyển quyền sở hữu, Tổng cục Hải quan ra quyết định di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
Thủ tục xuất nhập kho ngoại quan
– Đối với hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan, hồ sơ khai báo gồm: hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan và các chứng từ cần thiết khác.
– Đối với hàng hoá từ Việt Nam đưa vào kho ngoại quan: hồ sơ phải nộp bao gồm: hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, tờ khai hàng đưa vào kho ngoại quan và các chứng từ khác.
– Đối với hàng hóa đưa ra nước ngoài, hồ sơ phải nộp: tờ khai xuất khẩu; giấy ủy quyền xuất hàng; phiếu xuất kho.
Lưu ý: Hàng hóa từ kho ngoại quan nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải làm đầy đủ thủ tục hải quan, nộp thuế, quản lý xuất nhập khẩu như đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thủ tục hải quan kho ngoại quan
– Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài nhập kho ngoại quan.
– Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan hoặc từ nội địa nhập kho ngoại quan.
– Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài.
– Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa hoặc nhập khẩu vào khu phi thuế quan.
– Thủ tục hải quan đối với hàng xuất kho ngoại quan để vận chuyển đến kho ngoại quan khác.
Thực hiện các thủ tục hải quan cho kho ngoại quan
Thời hạn giải quyết thủ tục xuất nhập hàng kho ngoại quan
Đối với thủ tục nhập hàng
Người khai hải quan thực hiện đầy đủ thủ tục thì công chức hải quan sẽ có trách nhiệm:
- Kiểm tra hồ sơ: Hoàn thành trong 2 giờ làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
- Kiểm tra hàng hóa:
- Trường hợp thông thường: Hoàn thành trong 8 giờ làm việc.
- Trường hợp hàng hóa đặc biệt: Hoàn thành sau khi nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành.
- Trường hợp hàng hóa số lượng lớn, đa dạng: Có thể gia hạn thêm tối đa 2 ngày.
Đối với thủ tục xuất hàng
Theo quy định, người khai hải quan có trách nhiệm nộp đầy đủ và chính xác hồ sơ hải quan. Ngay sau khi nhận được hồ sơ hoàn chỉnh, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành các thủ tục kiểm tra một cách nhanh chóng và chính xác để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu khái niệm thế nào là kho ngoại quan và tổng hợp các thủ tục kho ngoại quan như: thủ tục thành lập kho ngoại quan, thủ tục chuyển kho, thủ tục xuất nhập kho,… Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn nắm bắt đầy đủ thông tin cần tìm.
Tôi là Nguyễn Linh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 5 năm tư vấn setup giá kệ công nghiệp, kệ kho hàng. Tôi hy vọng những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp mọi người xây dựng được hệ thống kho bãi hiệu quả, tối ưu diện tích và chi phí.