Đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam thì việc tìm hiểu về kho bảo thuế là rất quan trọng. Vậy kho bảo thuế là gì? Điều kiện để công nhận kho bảo thuế là như thế nào? Kho bảo thuế có gì khác so với kho ngoại quan? Ở bài viết này, Kệ công nghiệp VNT sẽ giúp bạn giải đáp hết những vấn đề trên đây.
Kho bảo thuế là gì?
Kho bảo thuế (tiếng Anh: Bonded factory) là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế. (Theo Tài liệu tham khảo: Điều 4 Luật Hải quan 2014).
Kho bảo thuế được thiết lập dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan hải quan. Tại đây, hàng hóa được bảo quản an toàn và có thể thực hiện các hoạt động như phân loại, đóng gói lại, hoặc chuẩn bị cho việc xuất khẩu mà không cần phải nộp thuế ngay lập tức.
Kho bảo thuế chuyên chứa vật liệu, vật tư nhập khẩu đã thông quan
>> Bạn đọc quan tâm: Các loại kho bãi trong logistics phổ biến nhất hiện nay
Hàng hóa trong kho bảo thuế là gì?
Theo luật Hải quan năm 2014 thì hàng hóa trong kho bảo thuế đơn thuần là nguyên vật liệu nhập khẩu đã thông quan nhưng chưa đóng thuế. Những nguyên vật liệu, vật tư này đa dạng về chủng loại dùng để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu ngược trở lại.
Hàng hóa này khi nhập kho đều thông báo qua Hải Quan về số lượng hàng hóa cũng như mục đích sản xuất gì của chủ kho bảo thuế.
Hàng hóa khi nhập kho đều phải khai báo đầy đủ thông tin với Hải quan
Hàng hóa được lưu giữ tại kho bảo thuế có những đặc điểm riêng biệt và được phân loại thành nhiều loại hình khác nhau. Trong đó bao gồm: Hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu khỏi Việt Nam nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan và hàng hóa trung chuyển chờ sang nước khác.
Lưu ý:
– Nguyên vật liệu, vật tư lưu trong kho bảo thuế (không phải là hàng cấm) không được phép bán ra tại thị trường Việt Nam.
– Trong trường hợp đặc biệt nào đó, chủ đơn vị đó muốn bán hàng trong kho bảo thuế thì cần phải làm đầy đủ thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan và đồng thời nộp thuế nhập khẩu cũng như thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Pháp luật.
– Hàng hóa trong kho bảo thuế nếu bị hư hỏng cần phải được kiểm tra thường xuyên và báo cáo lên sở Hải quan để được tiêu hủy theo quy định và do chủ kho bảo thuế thực hiện.
– Thời gian lưu kho bảo thuế là 12 tháng kể từ thời điểm hàng hóa được đưa vào trong kho.
Các khu vực được phép thành lập kho bảo thuế
Kho bảo thuế thường được thành lập tại các khu vực sau:
- Khu vực cảng biển quốc tế: Đây là địa điểm lý tưởng để thành lập kho bảo thuế do thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đường biển. Các cảng biển lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thường có nhiều kho bảo thuế được thành lập.
- Khu vực sân bay quốc tế: Kho bảo thuế tại các sân bay quốc tế phục vụ cho hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không. Các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng thường có kho bảo thuế.
- Khu vực cửa khẩu đường bộ quốc tế: Tại các cửa khẩu đường bộ quan trọng như Lào Cai, Móng Cái, Lao Bảo, cũng có thể thành lập kho bảo thuế để phục vụ hàng hóa vận chuyển qua biên giới đường bộ.
Điều kiện thành lập kho bảo thuế
Theo điều 27 của Nghị định số 154/2005/NĐ-CP đã ban hành, một doanh nghiệp phải đủ các điều kiện mới có thể thành lập kho bảo thuế:
– Doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu và được thành lập theo đúng quy định của Pháp luật.
– Doanh nghiệp không nằm trong danh sách đen, bị phạt hoặc bị cưỡng chế.
– Doanh nghiệp có đầy đủ sổ sách, giấy tờ theo dõi hàng hóa nhập kho, xuất kho theo đúng quy định của nhà nước.
– Doanh nghiệp phải nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có các cơ quan Hải quan đặt văn phòng để tiện theo dõi, kiểm tra.
Kho nên nằm gần khu chế xuất, các khu công nghiệp nơi có cơ quan Hải quan đặt văn phòng
Lưu ý: Mọi hoạt động của kho bảo thuế đều nằm dưới sự giám sát và theo dõi của cơ quan Hải quan. Đây là quy định bắt buộc các chủ kho bảo thuế cần nắm rõ và thực hiện đúng theo quy định.
Thủ tục cấp phép cho kho bảo thuế
Để thành lập kho bảo thuế, doanh nghiệp phải trải qua một số bước thủ tục pháp lý nhất định như sau:
– Đầu tiên, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập kho bảo thuế cho cơ quan hải quan. Hồ sơ này bao gồm các tài liệu chứng minh sự phù hợp của địa điểm với các tiêu chí đã nêu, kèm theo bản vẽ thiết kế kho và mô tả chi tiết về cơ sở hạ tầng.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tại địa điểm được đề xuất để đảm bảo rằng nó đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật và điều kiện vệ sinh.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các bước thẩm định, cơ quan sẽ cấp giấy phép hoạt động cho kho bảo thuế. Hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
So sánh kho ngoại quan và kho bảo thuế
Dưới đây là bảng so sánh giữa kho bảo thuế và kho ngoại quan để bạn hiểu hơn về tính chất và đặc điểm của 2 loại kho này:
So sánh | Kho bảo thuế | Kho ngoại quan |
Khái niệm | Kho bảo thuế là kho sẽ chuyên chứa các vật tư, nguyên liệu đã được thông quan (nhưng chưa nộp thuế) để phục vụ cho hoạt động sản xuất. | Kho ngoại quan là kho chuyên lưu trữ các hàng hóa đã làm thủ tục hải quan, chuẩn bị xuất khẩu, hoặc các mặt hàng từ nước ngoài chuẩn bị đưa vào Việt Nam hoặc quá cảnh tại Việt Nam chờ xuất sang nước thứ ba. |
Loại hàng hóa lưu trữ | – Đa dạng nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất của kho bảo thuế.
– Các mặt hàng này đã thông quan nhưng chưa nộp thuế.
|
– Hàng nhập khẩu đang chờ hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đưa vào thị trường Việt Nam.
– Hàng quá cảnh chuẩn bị xuất khẩu sang nước thứ ba. – Hàng hóa chuẩn bị xuất khẩu, đã hoàn tất thủ tục hải quan. – Hàng buộc phải tái xuất. |
Thời hạn thuê kho | Không quá 12 tháng, tính từ ngày đưa nguyên liệu vật tư vào kho. | Không quá 12 tháng được tính từ ngày đưa hàng vào kho. |
Các hoạt động, dịch vụ được thực hiện trong kho | – Nguyên vật liệu nhập vào kho bảo thuế chỉ dùng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chính công ty đó.
– Việc quản lý theo dõi số liệu và tình trạng nguyên vật liệu trong kho bảo thuế phải tuân thủ theo các quy định của luật kế toán, thống kê. |
– Gia cố kiện hàng, đóng gói bao bì, chia gói, đóng ghép, phân loại,…
– Chuyển quyền sở hữu. – Lấy mẫu hàng để đáp ứng yêu cầu làm thủ tục hải quan hoặc quản lý. – Nếu hàng hóa là hóa chất, xăng dầu,… nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu có thể thực hiện hoạt động pha chế hoặc chuyển đổi chủng loại hàng. |
Thủ tục hải quan | Thủ tục Hải quan với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế thực hiện như thủ tục Hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, trừ thủ tục nộp thuế.
|
– Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài nhập kho ngoại quan.
– Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan hoặc từ nội địa nhập kho ngoại quan. – Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài. – Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa hoặc nhập khẩu vào khu phi thuế quan. – Thủ tục hải quan đối với hàng xuất kho ngoại quan để vận chuyển đến kho ngoại quan khác. |
Qua nghiên cứu về kho bảo thuế, ta thấy đây là một yếu tố quan trọng trong quản lý hải quan. Kho bảo thuế mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật. Hi vọng, bài viết trên đây đã mang đến đầy đủ những thông tin hữu ích về kho bảo thuế cho bạn!
Tôi là Nguyễn Linh – Tôi đã có kinh nghiệm hơn 5 năm tư vấn setup giá kệ công nghiệp, kệ kho hàng. Tôi hy vọng những kiến thức mà mình chia sẻ có thể giúp mọi người xây dựng được hệ thống kho bãi hiệu quả, tối ưu diện tích và chi phí.